Lâu lắm rồi hôm nay mới có cơ hội tản mạn đi ăn bát phở rồi thong dong ngồi quán trà đá trước cổng cơ quan nhâm nhi chút không khí cuối tuần Hà Nội. Đột nhiên thấy 3 bạn ăn mặc lịch lãm quần áo phẳng phiu ngồi đánh xịch, “cho con 3 trà đá thật đặc nha Bu”…. Rồi mình bắt đầu được nghe các bạn kể về các dự định sờ tát ắp.
Một cậu hùng hồn “sắp tới công ty tao kêu gọi vốn đầu tư trăm tỷ làm với các đối tác nước ngoài”. Mà tao đã xác định rồi, khởi nghiệp là phải thành công, không thành công tao không bao giờ nhìn mặt chúng mày nữa….bla bla…2 cậu còn lại tay cầm cốc trà nhâm nhi đầu gật gật tâm đắc…Cái giọng ấy làm tôi nhớ về thời đi thi đại học trước đây. Trước khi lên đường cả họ tụ tập làm một bữa no nê hứng khởi bảo phen này đi thi chắc chắn đỗ rồi vì con nhà mình học giỏi có số, có má ở trường cơ mà – Niềm tự hào của cả dòng họ luôn, khi nào có giấy báo nhập học sẽ mổ lợn đãi cả họ. Đến lúc có kết quả, thi trượt bố nó đại học rồi, tiệc đâu chẳng thấy, chỉ thấy âm thầm đăng ký học một trường cao đẳng trên thành phố rồi vẫn cười nói với mọi người rằng cháu nó thi đỗ rồi, bao năm đi học về ai cũng hỏi học đại học như nào cháu, học mấy năm nữa ra trường….Chỉ biết cười và bảo, học vất vả lắm ạ.
Đấy, mấy chuyện cá nhân mà chúng ta cứ làm quá lên. Sờ tát ắp là chuyện của mình chẳng liên quan gì tới thằng bạn nối khố hay cô bán trà đá hay anh đánh giày cả mà phải bắc loa lên thông báo. Chuẩn bị mở công ty vốn điều lệ 50 triệu nhưng hô hào tụ họp xin ý kiến và kể về chiến lược tương lai cho cả cô dì chú bác, anh em bạn bè thân hữu gần xa…làm thế làm gì cho nó mệt. Thử mà xem, rồi về nhà gặp ai cũng hỏi “Ôi chào giám đốc”, “Giám đốc rảnh hôm nào em hẹn gặp uống ly trà”, “Giám đốc có tiền không cho vay ít đi” hay “Gớm ông chủ lớn có việc gì cho theo với ở nhà nuôi heo giảm giá quá không sống nổi” rồi khắp nơi cứ “đấy thằng này con ông…bà…cháu ông…bà…. trẻ mà giỏi lắm, làm giám đốc ở thành phố có công ty riêng nhiều tiền lắm của…” Gở mồm nếu làm ăn thất bại chắc không dám về quê, không dám gặp ai quá…Đó đó, chính mình tự gây áp lực cho mình.
Tôi chẳng nói 100% nhưng phần lớn khi mới khởi nghiệp chúng ta thường thất bại ở 1 vài lần đầu tiên. Tôi cũng thế các dự án quán cơm, quán nhậu, quán cà phê đều sập đánh rầm trong thời gian 3 tháng từ ngày khai trương:D. Ai cũng thế thôi, vì làm kinh doanh khó hơn làm công ăn lương nhiều lắm, nhưng tôi thấy những người thành công họ đều cho đó là chuyện bình thường, thất bại thì làm lại, ngã thì đứng dậy. Thế mà có nhiều người vì cái Tôi cái Sỹ mà không vượt qua được. Làm ăn thua lỗ, thi trượt, ly hôn….là biết mất chỉ vì lúc mở công ty “Nổ” to quá, trước khi đi thi thì ăn to quá, đám cưới thì làm hoành tráng quá…Giờ bị bung ra thì sợ người ta hỏi. Thế đó, hậu quả của việc Nổ chia sẻ cá nhân quá hoành tráng là như vậy đó.
Làm ăn kinh doanh, sờ tát ắp thì cứ lẳng lặng mà làm. Có chăng chỉ chọn những ai có thể giúp mình để mà chia sẻ ví như người có thể định hướng cho mình, các nhà đầu tư…Còn những người không thể giúp gì cho mình thì tuyệt đối chẳng cần phải “open toang” ra cho họ làm gì. Đặc biệt người thân, người thương mình thì tuyệt đối không nên vì Họ thương mình, họ quan tâm nên sẽ hỏi nhiều lắm, chỉ làm mình mệt hơn thôi, chẳng được cái vẹo gì cả. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, và cũng không ai lấy không của ai thứ gì cả.
ĐÃ KINH DOANH ĐÃ TẬP LÀM ÔNG CHỦ THÌ PHẢI TẬP SỐNG ÂM THẦM, PHẢI CHẤP NHẬN CÔ ĐƠN
Tuy nhiên, nỗi cô đơn sang chảnh cũng thú vị. Ví dụ nằm 1 mình trên tàu 6 sao ngắm trăng ngắm mây, Thuê một phòng ở Burj Al Arab tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần hay một mình ngồi trong chiếc bently tới sân bay để bay vào Sài gòn làm ly cà phê sữa đá rồi về…Nếu là bạn, thử xem có chịu nổi cảm giác cô đơn đó không? Nếu có thì tin tôi đi, đã đến lúc làm Chủ rồi.
Còn nếu mình thấy việc đi mua một chiếc điện thoại mà dắt bạn, dắt anh em, dắt bạn dắt bè đi ra để bàn tán tới lui, cân nhắc hết cửa hàng này cửa hàng nọ, hoặc mỗi lần định làm gì là phải tụ tập 500 anh em ở quán bia để zô zô rồi tham khảo ý kiến, xong thấy chưa đủ lại phải vào quán karaoke để hỏi thêm mấy em chân dài….thì thui, đi ăn cơm và đừng đọc bài này tiếp nữa
Viết đến đây, tự nhiên lại nhớ tới chia sẻ của cô gái triệu đô của start up Việt mới đây, có hai vấn đề mình thấy thực sự cô ấy bế tắc đó là “Áp lực trở thành “người thành công trên mạng xã hội” và Trên đỉnh cao của sự cô đơn.
Ngày trước thấy các bạn cứ hay nói “Cái giá của tự do là cô đơn” Nhưng giờ trong mắt người làm kinh doanh chắc phải đổi thành “Cái giá của thành công là cô đơn”
Đúng rồi, chúng ta đều có chung một nỗi buồn, một nỗi buồn thật đẹp và nỗi buồn ấy được gọi tên là nỗi cô đơn sang chảnh – CLASSY SADNESS